Những cái chết ‘hợp lý’ nhất trong Tam Quốc

3:12:00 AM

Có câu ” tính cách tạo nên số phận”, việc đúng hay sai của câu nói này khi áp vào diễn biến Tam Quốc mới thấy ứng với cách chết của một số nhân vật lừng danh.




Tào Tháo – chết do đa nghi

Người đời gọi Tào Tháo là gian hùng để ám chỉ đầu óc mưu mẹo linh hoạt có phần gian trá của ông. Tào Tháo từ lúc bé đã biết nghĩ mưu để đánh lừa người chú của mình, tới khi trưởng thành hơn thì đa mưu túc trí, ứng biến nhanh lẹ bất chấp các thủ đoạn.




Cũng do bản thân là người hay dùng mưu để lừa người nên Tào Tháo rất đa nghi, đây cũng là một tính cách vô cùng nổi tiếng của ông.

Khi càng về già, tính cách này ngày càng nặng, Tào Tháo thường hay lo sợ bị làm phản. Trước năm 219, căn bệnh đau đầu lâu năm của ông bị phát nặng. Lúc đó trong dân gian rất nể phục tài năng và đức độ của thần y Hoa Đà, Tào Tháo liền cho mời ông vào cung để chữa trị cho mình.


Thần y Hoa Đà.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung có kể về cách chữa trị của Hoa Đà như sau: đầu tiên là sử dụng ma phế để gây mê, tiếp đó dùng một lưỡi rìu nhỏ để bổ đầu, cạo hết độc tích tụ. Đây thực tế là một phương pháp rất tiến bộ so với y học thời bấy giờ, tuy nhiên, do dân trí hồi đó còn thấp nên nghĩ tới chuyện mổ xẻ bổ não là không thể. Chính vì thế mà Tào Tháo đã nghi ngờ Hoa Đà định có ý giết mình để trả thù cho Quan Vũ. Ông hạ lệnh tống giam và tra tấn vị thần y cho tới chết.

Hoa Đà chết, cũng không ai chữa khỏi chứng đau đầu của Tào Tháo. Sau đó ít lâu thì Tào Tháo cũng qua đời do chứng bệnh này.

 Quan Vũ – chết do kiêu ngạo

Năm 219 thời Tam Quốc, có một sự kiện gây chấn động là việc danh tướng hàng đầu thiên hạ Quan Vũ bị bắt giữ và hành quyết bởi quân đội Đông Ngô tại Lâm Thư, đất Kinh Châu. Trước đó, Quan Vũ là người nắm giữ bảo vệ vùng lãnh thổ Kinh Châu, cũng là người đứng đầu Ngũ Hổ Tướng lừng danh của đất Thục, là nhị đệ kết nghĩa của Chiêu Liệt Đế Thục Hán Lưu Bị, quyền cao chức trọng, tiếng tăm như sấm động thiên hạ.



Người đời tôn vinh Quan Vũ bởi lòng trung thành, dáng vẻ bất phàm, võ lực thần uy cùng sự can đảm không ai sánh nổi của ông. Tuy nhiên, thất bại ở Kinh Châu không hẳn là một điều lạ lùng khi chính Quan Vũ đã bị tính cách kiêu ngạo của mình làm hại.

Trước khi giao Kinh Châu cho Quan Vũ trấn thủ, Gia Cát Lượng có khuyên ông 1 câu ” Chính sách đúng đắn nhất là Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo“. Thế nhưng, Quan Vũ do có ác cảm về việc Đông Ngô hay cho người làm phiền về việc đòi lại 3 quận Kinh Châu mà sinh ra chán ghét, thậm chí là coi thường.

Khi Tôn Quyền cho sứ giả sang đề cập chuyện se duyên giữa con gái Tôn Quyền với con trai Quan Vũ, ông đã trả lời 1 câu gây mếch lòng nặng nề : “Con ta là con Hổ, cớ gì phải se duyên với loài chó“. Đây thực chất là một hành động rất kém khôn ngoan nếu xét về phương diện ngoại giao. Điều này đã gây ra mối thù giữa 2 phe Thục và Ngô, là nguyên nhân lớn dẫn tới việc Đông Ngô đánh úp Kinh Châu lúc Quan Vũ tham gia chiến dịch Phàn Thành.




Bản thân chính Quan Vũ cũng đã từng được 1 gia tướng nhắc nhở về việc chú ý phòng thủ Kinh Châu, nhưng ông do coi thường phe Đông Ngô mà xem nhẹ ý kiến này. Cuối cùng, cả 2 cha con và gia tướng Châu Thương đều bị bắt sống và xử trảm, hậu quả nặng nề để lại dẫn tới việc đánh mất Kinh Châu, một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của triều đình Thục Hán. Ngoài ra nó còn gây tác động nặng nề tới tư tưởng chống Ngô của Lưu Bị về sau này.
 
Trương Phi – chết do nóng tính

Không lâu sau cái chết của nhị ca Quan Vũ, Trương Phi đi tới Thành Đô để yêu cầu Lưu Bị tiến hành phạt Ngô. Sau khi ra về, ông ta lệnh cho thợ may phải gấp rút hoàn thành giáp trắng, cờ trắng, trang phục trắng để ra quân. Do thời gian quá sát nên 2 tướng phụ trách công việc này là Trương Đạt và Phạm Cương đã đưa ra những lí do để Trương Phi có thể thông cảm.


Tuy nhiên, do bản tính nóng nảy thô bạo, Trương Phi đã phạt đánh cả 2 và đe dọa nếu không hoàn thành đúng kỳ hạn thì sẽ đem ra xử trảm. Không còn đường lùi, Trương Đạt và Phạm Cương đã cùng âm mưu để ám sát Trương Phi . Ông bị đâm chết và chém lấy thủ cấp đem sang nộp cho bên Đông Ngô.
 
Ngụy Diên – chết do phản phúc



Ngụy Diên là mãnh tướng lừng danh của Thục Hán, ông có tính cách bạo dạn và tài năng thao lược khá toàn diện. Nhưng theo mắt nhìn của Gia Cát Lượng thì Ngụy Diên là tướng người phản phúc, có thể ông ta sẽ rất trung thành với Lưu Bị nhưng khi chính quyền trung ương tỏ ra yếu kém thì nhiều khả năng Ngụy Diên sẽ làm phản.

Quả nhiên, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có miêu tả việc Ngụy Diên thực hiện một số hành động tạo phản ngay khi Gia Cát Lượng vừa qua đời. Ngụy Diên cố gắng lôi kéo Mã Đại đứng về phe mình mà không chút nghi ngờ. Nhưng sự thật là từ trước đó, Mã Đại đã nhận được mật lệnh và lời căn dặn từ Gia Cát Lượng, giả vờ qui thuận Ngụy Diên để tìm cơ hội tốt nhất giết chết ông ta. Nếu Ngụy Diên không làm phản thì Mã Đại cũng sẽ không sử dụng mưu sách mà Gia Cát Lượng dặn dò để giết ông ta.

Theo Thế Giới Game

THÍCH và chia sẻ bài viết: :

Bài viết cùng chủ đề

0 nhận xét

Like us on Facebook

Follow by G+