Giải mã Tam quốc:Vì sao Triệu Tử Long không giữ chức cao ??? - chính khách ẩn mình
6:52:00 AMQuan điểm cho rằng Triệu Vân không được giữ chức vụ cao là vì lí do chính trị đúng nhưng chắc chắn là chưa đủ. Ít nhất, nó không lý giải được, tại sao sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung chết, Triệu Vân vẫn không được nắm giữ những chức vụ cao hơn.
Những người mê Tam Quốc luôn mặc định Triệu Vân là một trong những võ tướng bản lĩnh cao cường nhất thời đại ấy.
Triệu Vân quê ở Chân Định, thuộc Ký Châu, là vùng đất được mô tả là "Yên, Triệu nhiều khẳng khái chi sĩ, Hà Bắc sinh lớp lớp cường binh".
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung lại dành cho Triệu Vân những dòng tuyệt đẹp như: "...Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả. Trương Cáp, Từ Hoảng trông thấy rụng rời hết vía, không dám ra địch...", hoặc: "...Vân đi đến đâu, trên đầu phấp phới tung bay lá cờ đề bốn chữ Thường Sơn Triệu Vân. Quân Nguỵ trông thấy, lại nhớ đến trận Đương Đương Trường Bản, biết là anh hùng vô địch. Một đồn mười, mười đồn trăm, mũi thương của Vân trỏ vào chỗ nào, chỗ ấy chỉ còn biết rẽ nhau ra mà chạy..."
Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhiều người luôn mặc định Triệu Vân là một trong những võ tướng bản lĩnh cao cường nhất thời đại Tam Quốc. Có điều trên thực tế ghi chép của chính sử, chức vị của Vân về quân sự không phải rất cao. Từ đó mới nảy sinh những nghi hoặc cùng tranh luận về tài năng của Vân khi so sánh với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung hay thậm chí cả Nguỵ Diên.
Quan điểm cho rằng Triệu Vân không được giữ chức vụ cao là vì lí do chính trị đúng nhưng chắc chắn là chưa đủ. Ít nhất, nó không lý giải được, tại sao sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung chết, Triệu Vân vẫn không được nắm giữ những chức vụ cao hơn.
Có thể Triệu Vân không được phong võ tướng bậc cao vì ông ta là chính khách ẩn hình chuyên giải quyết những sự vụ trong bóng tối
Chính khách làm tướng quân
Trong Tam Quốc Chí [1], học giả Bùi Tùng Chi khi chú giải Truyện Triệu Vân đã dẫn "Triệu Vân biệt truyện" viết về sự xuất hiện của Triệu Vân ở giai đoạn sơ kỳ Tam Quốc như sau: "... được bản quận suy cử, đem quân nghĩa tòng đến chỗ Công Tôn Toản...". Về giai đoạn đầu chính thức quy thuộc Lưu Bị thì chép là "Tiên Chủ tới chỗ Viên Thiệu, Vân gặp ở huyện Nghiệp. Tiên Chủ cùng Vân ngủ chung giường, mật phái Vân chiêu mộ được mấy trăm người, đều xưng là bộ khúc của Lưu Tả tướng quân, Thiệu không biết được."
Có thể nói lúc Quan, Trương Phi còn là tráng sĩ vô danh thì Triệu Vân đã là một phương cừ soái. Hai người kia từ tướng quân biến thành chính khách còn Vân vốn là chính khách đi làm tướng quân vậy. Lưu Bị rời Tào Tháo, Quan Vũ chém Nhan Lương. Tưởng như thế lực của Lưu Bị sẽ bị nghiền nát trong cuộc phân tranh giành quyền bá chủ vùng Hoa Bắc. Vị chính khách ấy âm thầm xuất hiện, chẳng chém tướng đoạt cờ mà giúp được Lưu Bị mở đường rời khỏi chốn phong ba.
Về giai đoạn ở Kinh Châu, "Triệu Vân biệt truyện" lại chép: "Tiên Chủ vào Ích Châu, Vân lĩnh chức Lưu doanh tư mã. Thời ấy Tôn phu nhân của Tiên Chủ vì là em gái của Quyền nên rất kiêu căng ngang ngược, nhiều lần đem quan binh Đông Ngô tung hoành không phép tắc. Tiên Chủ thấy Vân nghiêm nghị cẩn trọng, tất nắn sửa được, đặc biệt dùng làm người chưởng quản nội sự".
Đoạn tư liệu này không chỉ nhấn mạnh cái căn cốt làm chính khách trước khi làm tướng lĩnh của Triệu Vân mà còn mở ra một giai đoạn hợp tác và xung đột giữa Triệu Vân với Gia Cát Lượng. Một người là chính khách võ tướng chưởng quản nội sự chịu trách nhiệm khắc chế người Ngô ở Kinh Châu. Một người là văn thần mưu sĩ, kiến trúc sư chủ đạo của kế sách liên Tôn kháng Tào. Sự thật ra sao đã bị tấm màn thời gian che phủ. Người hữu tâm chỉ có thể thầm tự hỏi: Tại sao cùng được giao nhiệm vụ lưu thủ đại doanh, nhưng "Triệu Vân biệt truyện" khi nói về việc Vân phá được âm mưu bắt cóc Hậu Chủ của Đông Ngô chỉ kể rằng Vân hợp tác với Trương Phi chứ không hề nêu tên Gia Cát Lượng!
Triệu Vân –chính khách ẩn mình
Khi Lưu Bị mới chiếm được Ích Châu đã xảy ra câu chuyện Triệu Vân ngăn cản việc chia đất cho tướng sĩ tòng chinh. Nguyên văn được “Triệu Vân biệt truyện” chép như sau:
“Ích châu đã định, bấy giờ có người bàn nên lấy nhà cửa ở Thành Đô cùng những đất đai vườn tược quanh đó ban cho chư tướng. Vân bác đi nói rằng: “Xưa kia Hoắc Khứ Bệnh từng nói rằng Hung Nô chưa bị diệt, sao nghĩ đến việc nhà, nay quốc tặc chẳng phải chỉ như Hung Nô, chưa thể cầu an được vậy. Nên để lúc thiên hạ yên định, mọi người đều trở về quê, cầy cấy nơi ruộng cũ, việc ấy mới nên làm. Nay dân chúng Ích châu, mới mắc nạn binh đao, nhà cửa ruộng vườn rất nên trả về cho họ, để dân được an cư lạc nghiệp, sau này mới có binh lương quân dịch, như thế dân sẽ hoan hỉ vui mừng vậy.” Tiên chủ liền nghe theo.”
Đây giống hệt như phát biểu của một chính khách chứ không phải là suy nghĩ của một đại tướng cầm quân. Thú vị là ở chỗ, đa phần đánh giá đều cho rằng Triệu Vân vì dân vì nước. Suy nghĩ này e rằng hơi đơn giản.
Lưu Bị nổi tiếng nhân nghĩa và dù có không nhân nghĩa đi chăng nữa thì cũng không đến nỗi kém cỏi để bắt đầu quá trình cai trị của mình bằng một hoạt động vừa thất nhân tâm vừa tàn hại cho kinh tế. Huống hồ dân thường thì có bao nhiêu đất ở Thành Đô? Chiếm đất của dân thì được bao nhiêu mà chiếm?
Người đọc Tam Quốc ai cũng biết nền tảng quyền lực của hai cha con Lưu Yên - Lưu Chương ở Ích Châu được xây dựng trên cơ sở hai hệ phái là Đông Châu Sĩ (giới sĩ tộc cùng Lưu Yên vào Xuyên nhậm chức) và Ba Thục bản thổ hệ (thế tộc định cư lâu đời ở Thục Trung). Hai hệ phái này vừa tranh đấu vừa cấu kết với nhau làm băng hoại đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Ích Châu. Đồng thời chặt đứt không gian sinh tồn của các hệ phái khác. Các hệ phái bị chèn ép này, với đại diện là Trương Tùng, Pháp Chính, Mạnh Đạt, Bành Dạng cố đi tìm một minh chủ khác để phân chia lại bàn cờ lợi ích. Đó là tiền đề để Lưu Bị tiến vào đất Thục.
Chiếm được đất rồi, Lưu Bị phản bội lại lợi ích của những người này. Ngoài Trương Tùng đã chết, Mạnh Đạt bị đẩy ra Thượng Dung dưới sự quản chế của Lưu Phong. Bành Dạng bị bỏ lơ. Pháp Chính tuy giữ chức cao nhưng lại được khuyến khích trả thù báo oán để trở thành cô thần không phe cánh. Đồng thời Lưu Bị phát ra tín hiệu hoà giải với nhân sĩ Đông Châu cũng như thế tộc bản địa. Ông ta cưới em gái Ngô Ý, trọng dụng Hoàng Quyền, phong chức hàng loạt cho Lý Nghiêm, Phí Quan, Đổng Hoà. Và thỏa hiệp có ý nghĩa sâu rộng nhất là giữ nguyên tài sản quyền lợi của họ. Thỏa hiệp này do Triệu Vân đề xuất khi ngăn cản việc chia đất ở Thành Đô!
Ý nghĩa của thỏa hiệp này là nó công khai cho phép người chiến bại giữ vững cái quyền sở hữu tư liệu sản xuất, năng lực sản xuất, qua đó tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và can dự vào sinh hoạt chính trị (với ảnh hưởng nhỏ hơn, gián tiếp hơn thời kỳ Lưu Chương) của Ích Châu.
Thỏa hiệp này không chỉ xoa dịu mâu thuẫn xã hội, nhanh chóng khôi phục kinh tế mà còn tạo ra thế cân bằng vi diệu giữa các thế lực trong tập đoàn Lưu Bị.Vô hình trung, cũng có nhiều người chịu thiệt,trong đó có hệ phái Kinh Châu do Gia Cát Lượng đứng đầu và ở một nghĩa nào đó, cả Triệu Vân. Tất nhiên rồi, xúc phạm lợi ích của một số người chưa kể, chỉ riêng việc làm trung gian đàm phán hoà giải, nắm được con tẩy của bao nhiêu phe phái đã đủ khiến Vân không thể giữ chức cao.
Lưu Bị đông chinh. Triệu Vân phản đối. Gia Cát Lượng im lặng. Các nhà bình luận ngày nay thanh minh cho Gia Cát Lượng. Nào là ông ta quá bận với công việc nội chính, nào là ông ta quá tin vào thế lực của Thục quân, nào là ảnh hưởng của ông ta quá nhỏ. Thật ra còn có lí do khác. Các đồng minh chủ chốt của Gia Cát như Mã Lương, Tập Trinh, Bàng Lâm đều là nhân sĩ Kinh Châu. Họ muốn trở về giành lại đất đai cơ nghiệp tổ tiên truyền lại. Gia Cát Lượng ra mặt phản đối có khác gì tự sát đâu. Triệu Vân giơ tay phản đối, dù với động cơ gì thì cũng là thêm một lần đắc tội với phái Kinh Châu.
Kết
Tóm lại, rất có thể Triệu Vân không được phong võ tướng bậc cao vì ông ta là chính khách. Một chính khách ẩn hình chuyên giải quyết những sự vụ trong bóng tối, những cò kè thỏa hiệp nặng về lợi ích giữa các phe...
Lưu Bị có được “ngũ hổ tướng”chẳng khác nào như “rồng thêm cánh”, nhờ đó tạo lập nên nhà Thục Hán với nhiều chiến tích lẫy lừng về mặt quân sự. Nhưng người ở đằng sau màn trướng, trù mưu lập kế cho ông ta cũng không kém phần quan trọng. Lưu Bị từng xem việc có được quân sư Gia Cát Lượng như là “cá gặp nước” để thỏa chí vẫy vùng. Trong chính sử, mối quan hệ giữa cặp “quân thần cá nước” này là như thế nào?
Đón xem: Thực hư chuyện Lưu Bị nghi kỵ Gia Cát Lượng?
...................
Chú thích và tham khảo: [1] Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
TQDN
0 nhận xét