2 thị trấn ‘bát quái’ được mệnh danh ‘đệ nhất kỳ thôn’ bí ẩn nhất thế giới

9:56:00 AM


Được thiết kế theo hình bát quái rất phức tạp, và trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng cho tới nay kiến trúc của hai thị trấn độc nhất vô nhị này vẫn khiến người đời trầm trồ thán phục.

1. Thôn Tekes của đệ tử Toàn Chân Giáo



Là một thị trấn nhỏ thuộc Huyện Ili tỉnh Tân Cương, khi nhắc đến khu vực này, ít ai biết Tekes là một đô thị bố trí theo hình bát quái lớn nhất thế giới.
Thị trấn ‘bát quái” được bảo tồn hoàn chỉnh nhất, kiến trúc vuông vức nhất, và điều đặc biệt ở đây là không bao giờ xảy ra tình trạng tắc đường.


Tương truyền, thị trấn được thiết kế bởi Khẩu Sở Cơ – một trong 7 đệ tử của Toàn Chân Giáo. Từ vòng tròn trung tâm của thị trấn chia ra thành 8 trục đường chính đối xứng nhau tương ứng với 8 cung Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn; vòng thứ 2 chia thành 16 ngả đường, vòng thứ 3 chia thành 32 ngả, vòng 4 chia thành 64 ngả, tất cả đều nối thông với nhau, đâu đâu cũng đầy bí ẩn.

Nhìn từ trên cao, thị trấn Tekes gồm 4 vòng tròn và 64 nhánh đường liên thông với nhau, trông như một sơ đồ bát quái khổng lồ.

Và khó có thể hình dung rằng, một thị trấn với các con đường đan xen chằng chịt và thông suốt với nhau vậy mà lại không cần một cột đèn giao thông nào.

Có người cho rằng, đèn giao thông thực sự không phát huy tác dụng ở thị trấn Tekes, bởi nơi này không bao giờ xảy ra tắc đường, và các con đường luôn thông suốt nhờ được bố trí theo sơ đồ bát quái.

Thực ra, không chỉ ở các đô thị lớn, mà thị trấn cấp 2 và 3 ở các địa phương cũng thường xuyên xảy ra tắc đường, thời gian lưu thông trên đường luôn phải tính đến thời gian dừng chờ đèn xanh đèn đỏ. Nhưng ở Tekes hoàn toàn trái ngược, bạn không phải dừng đèn đỏ, không phải chờ đèn xanh, cảm giác lái xe chạy không dừng nghỉ sung sướng như bay lên mây vậy.

Nếu bạn muốn trải nghiệm, hãy đến Tekes để tận hưởng nhé.

Người ta nói rằng nếu không được người trong thôn dẫn đường, bạn sẽ chỉ có thể đi vào mà không bao giờ ra được. Tại đây, bạn sẽ gặp các đường phố, ngõ ngách quanh co và thâm sâu của “bát trận đồ”.

2. Ngôi làng Bát Quái Chu Cát của Khổng Minh

Thôn Gia Cát hay Bát Quái, tọa lạc tại thị trấn Lan Khê, tỉnh Triết Giang, được mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất thôn”.

Bố cục tuyệt xảo

Có câu chuyện kể về Gia Cát Đại Sư, cháu trai đời thứ 28 của Khổng Minh Gia Cát Lượng, rằng sau khi gia hộ định cư tại Cao Long, ông đã vận dụng kiến thức âm dương kham dư học (phong thủy) mà mình tự tìm hiểu, dựa theo ý tưởng cửu cung bát quái, để thiết kế toàn bộ bố cục của thôn một cách tỉ mỉ.

Ông lấy Chung Trì làm trung tâm, tiếp đó, tám con hẻm nhỏ hướng ra ngoài bức xạ, hình thành nội bát quái. Điều kỳ diệu là trong thôn có 8 ngọn núi nhỏ bao quanh, cấu thành ngoại bát quái.

Hồ thái cực ở thôn Gia Cát (Ảnh đăng trên NTDTV)

Với từng ngôi nhà của mỗi hộ dân trong thôn Gia Cát, mặt trước đối nhau, mặt sau dựa vào nhau, còn ngõ ngách thì ngang dọc giống như một mê cung.

Nhà cửa trong thôn phân bố ở tám con hẻm; tuy trải qua thời gian mấy trăm năm, nhiều đời hưng vượng, nhà cửa càng ngày càng mọc lên san sát, nhưng bố cục tổng thể của cửu cung vẫn không hề thay đổi.

Thôn Gia Cát độc đáo với bố cục bát quái và được gọi là đệ nhất thôn trang. Đi đến kỳ thôn này, nếu bạn nhắm mắt vào và chỉ vào bất kỳ hướng nào, đó cũng đều là một căn nhà đã hơn trăm năm tuổi.
Nói về ví trí và địa hình của thôn Gia Cát, bên ngoài có tám ngọn núi, hình thành ngoại bát quái, còn bên trong lấy Chung Trì làm trung tâm, hình thành nội bát quái.

Nét độc đáo

Từ những câu chuyện cũ được người dân bản địa kể lại, có thể thấy bố cục bát quái có tính năng phòng vệ mạnh mẽ.

Trong thời gian chiến tranh Bắc phạt năm 1925, bộ đội của Tiêu Kính Quang thuộc quân cách mạng quốc gia phía Nam và bộ đội quân phiệt của Tôn Truyền Phương chiến đấu ác liệt trong ba ngày ở gần thôn Gia Cát, vậy mà không một viên đạn nào lọt vào trong thôn, toàn bộ thôn trang vẫn nguyên vẹn và không tổn hại gì.

Ba điểm kỳ lạ

Thôn bát quái Gia Cát quả thực là đệ nhất kỳ thôn của Trung Quốc đại lục. Gia Cát có ít nhất ba điểm kỳ lạ: Trước hết, phần lớn người dân trong thôn đều là đời sau của Khổng Minh Gia Cát Lượng, vị quân sư tài năng của nước Thục cách đây hơn 1.700 năm.

Nói cách khác, hầu hết người trong thôn đều mang họ Gia Cát, hoặc là phụ nữ được gả vào gia tộc Gia Cát, chỉ còn lại một số ít không phải là thành viên của dòng họ này.

Theo thống kê, hậu nhân của Gia Cát Lượng hiện đang ở Trung Quốc là khoảng 16.000 người, nhưng chỉ riêng một thôn Gia Cát đã tụ họp một phần tư, tức khoảng 4.000 người, vậy nên Gia Cát được gọi là Trung Quốc đệ nhất, nghĩa là ngôi làng bậc nhất ở Trung Quốc.

Người dân thôn Gia Cát (Ảnh đăng trên NTDTV)

Điểm kỳ lạ thứ hai nằm ở bố cục tinh xảo huyền diệu của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, toàn bộ thôn hiện ra hình bát quái, với bố cục nhà cửa, đường phố, và hướng đi trùng khớp với cửu cung bát quái trận của Gia Cát Lượng mà lịch sử vẫn ghi chép.

Thứ ba, Gia Cát là nơi bảo tồn nguyên vẹn rất nhiều văn vật và kiến trúc cổ của ba đời Nguyên – Minh – Thanh. Dẫu triều đại thay đổi, xã hội rối ren, chiến tranh liên miên trong hơn 700 năm qua, và dẫu có bao nhiều danh lầu cổ tự, viên lâm đài các, hoặc thành tro bụi trong chiến hỏa, hoặc bị hủy hoại do thiên tai, nhưng thôn trang này lại giống như thiên đường chốn nhân gian, xa rời chiến hỏa, tránh được thiên tai, thoát được nhân họa.

Theo daikynguyenvn.com

THÍCH và chia sẻ bài viết: :

Bài viết cùng chủ đề

0 nhận xét

Like us on Facebook

Follow by G+