Giải mã Tam quốc: Tào Tháo và cách dùng tướng
4:01:00 AMCàng nhiều chiến thắng, quy mô quân đội Tào Ngụy càng được mở rộng, các nhân tài quân sự cũng dần lộ diện, mà sự phức tạp trong đó cũng dần hiện rõ.
Nếu lúc đó xung quanh Tào Tháo không có những tướng lĩnh trung kiên đi theo ông ta từ đầu, mọi chuyện sẽ còn khó khăn hơn gấp bội.
Quá trình phát triển của một đội quân non trẻ đương nhiên phải bao gồm: chiến đấu, thu nạp hàng binh, chỉnh hợp, phân binh đặt chức, tăng quân số… Các giai đoạn này không ngừng lặp đi lặp lại cùng với đà thăng tiến quân sự. Càng nhiều chiến thắng, quy mô quân đội Tào Ngụy càng được mở rộng, các nhân tài quân sự cũng dần lộ diện, mà sự phức tạp trong đó cũng dần hiện rõ.
“Nguyên lão công thần” từ buổi đầu gian khó
Trong những ngày đầu khởi sự, uy vọng của Tào Tháo chưa đủ lớn, mà tài cầm quân cũng còn hạn chế. Vì thế, đi mộ binh thì binh đào ngũ, đi đánh trận thì thắng ít thua nhiều. Rất may là xung quanh Tào Tháo không thiếu những tướng lĩnh trung kiên đi theo ông ta từ ngày đầu.
Bộ chính sử Tam Quốc Chí không mô tả rõ mốc thời gian tham gia quân Tào của hầu hết các tướng lĩnh. Dù vậy, vẫn có người đến trước, có người đến sau. Các tướng lĩnh cấp cao đầu tiên trong trận doanh Tào quân có thể kể đến Tào Hồng, Tào Nhân,Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Nhạc Tiến, Lý Điển, Vu Cấm.
Những người này đều có công tích nhất định. Tào Hồng từng nhường ngựa cứu mạng Tào Tháo với câu nói nổi tiếng “thiên hạ có thể không có Hồng, nhưng chẳng thể không có ông”. Hạ Hầu Đôn và Tào Nhân đối với Tào Tháo giống như Quan Vũ, Trương Phi đối với Lưu Bị: khi Tào Tháo phân binh, Đôn và Nhân luôn nắm một đội, là hai người có khả năng độc trấn một phương. Hạ Hầu Uyên, Vu Cấm, Nhạc Tiến nổi bật ở sự xông xáo, tham gia chiến dịch vào loại nhiều nhất. Lý Điển tham gia rất sớm, từng phá giặc Khăn Vàng ở Duyện Châu.
Lực lượng tướng lĩnh trung kiên này chính là những người có được sự tin tưởng lớn nhất của Tào Tháo. Vậy còn những người đến sau?
“Hàng tướng đến sau” và chuyện mới cũ
Tào Tháo nổi tiếng là khao khát nhân tài. Ở đâu có nhân tài, ông ta đều nghĩ cách lôi kéo. Càng đánh bại nhiều đối thủ, ông ta càng thu nạp được nhiều hàng tướng.
Đánh bại Dương Phụng, Tào Tháo thu được Từ Hoảng. Đánh bại Lữ Bố, ông ta có được Trương Liêu. Đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo hàng phục Trương Cáp. Tiến chiếm Kinh Châu, ông chiêu dụ Văn Sính. Bình định Hán Trung, Tào Tháo thu nạp Bàng Đức…
Những chiến tướng nổi tiếng trong quân đội Tào Ngụy giai đoạn sau chủ yếu xuất thân là hàng tướng. Nhưng những người này cũng không hẳn giống nhau.
Từ Hoảng, Trương Liêu, Trương Cáp, Bàng Đức khi quy hàng Tào Tháo chỉ có một mình, chính là dạng tướng lĩnh “bạch thân”, tức là ngoài bản thân ra thì không có thế lực nào đi kèm. Trong khi đó, Trương Tú ở Uyển thành hàng Tào thì dẫn theo bộ khúc cũ ở Lương Châu, Tang Bá ở Thái Sơn hàng Tào thì đi kèm là bộ khúc cũ của Từ Châu. Không phải hàng tướng mà chủ động dẫn quân tới gia nhập thì có Lý Thông ở Nhữ Nam, Lý Điển ở Sơn Dương. Lại có hàng tướng nhưng đã tạo dựng được uy vọng, thế lực bám rễ ở địa phương như Văn Sính.
Điểm lại con đường thăng tiến của bộ phận “hàng tướng” này, mới thấy dẫu công tích của họ không hề thua kém lực lượng tướng lĩnh “nguyên lão”, nhưng quân hàm và tước vị của họ đều thấp hơn một cấp.
Trương Liêu dẫn tám trăm dũng sĩ hù vỡ mật mười vạn đại quân của Tôn Quyền, uy chấn thiên hạ, khiến người Ngô khiếp sợ mãi đến sau này. Trần Thọ bình phẩm tướng Ngụy, dựa vào công trạng đã đặt tên Liêu ở đầu. Nhưng thực tế thì dưới thời Tào Tháo; cả Vu Cấm và Nhạc Tiến đều giữ chức Tả, Hữu Tướng quân trong khi Liêu sau trận chiến Hợp Phì mới được phong làm Chinh Đông Tướng quân, dưới Vu, Nhạc hai người một cấp, càng không cần phải nói đến Từ Hoảng, Trương Cáp bấy giờ chỉ là Bình Khấu, Đãng Khấu Tướng quân, dưới Liêu một cấp.
Kỳ thực cũng không có gì quá khó hiểu. Tào Tháo dùng người trọng thân sơ, Vu Cấm, Nhạc Tiến là những người theo Tháo từ buổi đầu, Trương Liêu, Từ Hoảng, Trương Cáp là những hàng tướng sau này, địa vị tự nhiên không thể đánh đồng. Đây cũng có thể là cách mà ông chủ Tào “bóc lột sức lao động” của “nhân viên mới”: thân là hàng tướng, càng cần phải nỗ lực hơn kẻ khác nhiều lần.
Dù không đến mức phân bè chia phái, nhưng rõ ràng trong quân đội Tào Ngụy có tồn tại cái gọi là “thứ bậc”.
Quân đoàn trưởng và vấn đề tín nhiệm
Tào Tháo vốn nổi tiếng với tài dùng người “dùng thì không nghi” và “có tài là dùng”, nhưng dùng thế nào lại là chuyện khác. Nói về tín nhiệm, các tướng lĩnh “đến sau”không thể nào xếp trước mấy người họ hàng thân thích như Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Tào Hồng, Hạ Hầu Uyên...
Thử xét biên chế Tào quân ở trận Quan Độ, khi đó Tào quân quy mô còn chưa lớn, đại khái có thể chia làm ba quân đoàn chính. Hạ Hầu Đôn trấn thủ Lạc Dương là một quân đoàn độc lập. Tang Bá và Tôn Quan trấn thủ Thanh Châu, Từ Châu, tự thành một quân đoàn phía Đông. Tào Tháo tự thống lĩnh trung quân, lại trực tiếp chỉ huy hai quân đoàn bán độc lập khác do Tào Nhân và Hạ Hầu Uyên tiết chế: việc phòng bị Dĩnh Xuyên giao cho Tào Nhân tiến hành du kích tại khắp các khu vực xung quanh, lại tăng phái Từ Hoảng, Sử Hoán; cùng lúc, việc phụ trách vận chuyển, đốc thúc lương thảo do Hạ Hầu Uyên là Thái thú Dĩnh Xuyên toàn quyền quyết định. Đây là bộ khung cơ bản.
Trừ hai nhân vật sở hữu bộ khúc sẵn có là Tang Bá và Tôn Quan; thì toàn bộ nhân thủ quan trọng đều là các “nguyên lão”, các vị trí lãnh binh nếu không phải họ Tào thì cũng họ Hạ Hầu. Còn các hàng tướng như Trương Liêu, Từ Hoảng; thậm chí các tướng lĩnh “bạch thân” như Vu Cấm, Nhạc Tiến, ở thời kỳ này binh lực đều chỉ có từ một đến ba ngàn; trong khi Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn có thể thống lĩnh binh lực phải vượt trên năm ngàn. Sau khi Tào Tháo bình định phương Bắc, khi Trương Liêu, Từ Hoảng có thể thống lĩnh năm ngàn binh mã thì Tào Nhân đã có thể điều động ba bốn vạn binh mã.
Dù không đến mức phân bè chia phái, nhưng rõ ràng trong quân đội Tào Ngụy có tồn tại cái gọi là “thứ bậc”, với sự phân cấp rõ ràng về quân hàm và tước vị. Điều này càng được minh họa rõ hơn qua trường hợp của “Ngũ hổ tướng” nhà Ngụy”.
(Đón xem: “Ngũ hổ tướng” của Ngụy quốc trong chính sử là ai?)
-----------------------------
Chú thích và tham khảo:
[1] Tam Quốc Chí – Nhạc Tiến truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[2] Theo quân chế thời Đông Hán, “bộ” và “khúc” là các đơn vị quân đội, quy mô 1000 người (bộ) hoặc 500 người (khúc). “Bộ khúc” là danh từ chung để chỉ một lực lượng quân đội quy mô vừa, nhỏ hơn so với “đại quân”.
Nguyễn Đỗ Thuyên - Trần Minh Tiến
0 nhận xét