Có cả Khổng Minh và Bàng Thống trong tay, vì sao Lưu Bị vẫn không thể thống nhất thiên hạ?
11:29:00 AMTư Mã Huy có nói với Lưu Bị: “Phục Long và Phượng Sồ, trong hai người đó có được một thì có thể lấy được thiên hạ”. Lưu Bị sau này có được cả hai nhưng không những không thống nhất được thiên hạ mà còn để rơi vào tay họ Tư Mã. Đáng chú ý là nhà Tư Mã không hề có được bất cứ một người nào trong cặp “rồng phượng” ấy.
Từ thời Hán mạt, hoạn quan lộng quyền, Đổng Trác khống chế kinh thành, phế Hán Thiếu Đế lập Hán Hiến Đế, các lộ chư hầu nổi lên, Đổng Trác chết, Tào Tháo lên làm Thừa tướng tiêu diệt Viên Thiệu, bá chủ một nửa giang sơn đại Hán. Tôn Quyền ở vùng đất Giang Đông dựa vào hình thế hiểm yếu, hiền tài như lá mùa thu mà tồn tại dài lâu. Lưu Bị từ anh bán giày nhờ mang chân mệnh thiên tử mà dần thu phục được nhóm ngũ hổ tướng lừng danh, đặc biệt là hai vị quân sư Bàng Thống – Khổng Minh, đã tạo nên “thần tích” thời Tam Quốc, xưng đế.
Vậy Khổng Minh và Bàng Thống, hai nhân vật trứ danh như vậy vì sao lại đi theo Lưu Bị, và vì sao khi có được cả hai mà Lưu Bị lại không thể nào hoàn thành được đế nghiệp một đời của mình? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để biết được lý do.
1. Lưu Bị thu phục cặp “rồng phượng”
Lưu Bị và Khổng Minh
Sau khi Viên Thiệu thất bại trong trận Quan Độ, Lưu Bị vốn là người dựa vào Viên Thiệu, đành phải cùng Trương Phi, Quan Vũ đi nương nhờ Lưu Biểu, Kinh Châu mục. Đối với Lưu Bị, Lưu Biểu rất khách khí, cho Lưu Bị một số binh mã, nhưng với Lưu Bị, Biểu chưa thật yên tâm, cho Lưu Bị đồn trú ở huyện thành Tân Dã, một nơi hoang vu và đất hẹp.
Tổ của Lưu Bị là tông thất nhà Hán, sau này gia tộc sa sút. Cuối đời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Lưu Bị cũng nhân cơ hội hành động, muốn khôi phục nhà Hán. Nhưng hơn 20 năm đã qua, Lưu Bị tuy danh tiếng rất lớn, nhưng vẫn phải sống nương nhờ người khác, chưa có một thế lực đủ lớn mạnh. Ông thường ca thán bên cạnh mình chưa có một nhân tài có thể đưa ra mưu kế để chỉ huy binh mã.
Khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, có không ít người ở các nơi đến theo, bản thân ông cũng đi khắp nơi tìm người tài. Có một mưu sĩ tên là Từ Thứ, đến Tân Dã nói với Lưu Bị: “Có một người tên Gia Cát Lượng, người ta thường gọi là “Ngọa Long”, là một nhân tài khó sánh được, tướng quân có muốn gặp ông ta không?”, Lưu Bị nghe nói vô cùng mừng rỡ, vội nói với Từ Thứ: “Nhờ ngài bảo ông ta đến gặp tôi!”, Từ Thứ khua khua tay, nói: “Gia Cát Lượng là nhân tài khó gặp. Người như ông ta, không thể dễ dàng gọi đến, tướng quân phải đích thân kính trọng đi mời ông ta”. Lưu Bị cho rằng Từ Thứ nói phải, quyết định tự mình đi gặp Gia Cát Lượng.
Sau đó, khi Lưu Bị đến Ngọa Long trang cầu kiến Gia Cát Lượng mà không gặp, từng để lại một phong thư. Trong thư Lưu Bị bày tỏ bản thân “ngưỡng mộ cao danh đã lâu”, thành ý “hai lần đến yết kiến đều không được gặp phải trở về, ân hận vô cùng”. Sau khi thuật lại chí hướng cả đời, Lưu Bị hy vọng Gia Cát Lượng có thể xuống núi phụ tá, “trổ hết tài lớn của Lã Vọng, thi thố hết kế lạ của Tử Phòng”, cũng nói mình muốn sau khi “tắm gội ăn chay” lại tới thăm viếng, tâm cầu hiền như khát nước hiện rõ trên giấy. Thân là Hoàng Thúc có thể chiêu hiền đãi sĩ như vậy, có thể nói là đã tận tình tận nghĩa rồi. Theo quan niệm của người đời, Gia Cát Lượng là nên vì được sủng ái mà lo lắng, cần phải tự mình gặp hoàng thúc mới phải đạo.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng trong «Xuất sư biểu» lần thứ nhất có đưa ra lời giải thích đối với tâm tư của ông. Ông nói: “Thần xuất thân áo vải, cày cấy ở Nam Dương, chỉ cầu an toàn tính mệnh trong loạn thế, không cầu tiếng tăm nơi chư hầu”. Trong đó có hai chữ, Gia Cát Lượng nói: “chỉ cầu an toàn tính mệnh”, thật ra cũng không đơn giản là bảo vệ mạng sống của mình, ở đây “tính” và “mệnh” là tách ra, hơn nữa “tính” đứng trước “mệnh”. Trong đó, “tính” chỉ bản tính, tâm tính, bao gồm nguyên tắc đạo đức làm người, phương thức làm người, và khí tiết,… của ông, đó là so với “mệnh” còn quan trọng hơn.
Gia Cát Lượng cũng không phải là người trong thế tục, đối với danh lợi, sắc dục trong cõi hồng trần cuồn cuộn đều xem rất nhẹ. Sau khi nhận lời Lưu Bị xuống núi, ông căn dặn người em Gia Cát Quân rằng: “Ta chịu ân Lưu hoàng thúc ba lần hạ cố, không thể từ chối được. Em ở nhà, chăm việc cày bừa ruộng nương không được bỏ hoang, đợi bao giờ thành công anh sẽ về đây ẩn dật.” Đó chính là tâm ý của Gia Cát Lượng khi quyết định xuất sơn phò tá Lưu hoàng thúc, một con người thấu hiểu mệnh trời và hành động dựa theo thiên ý.
Lưu Bị và Bàng Thống
Bàng Thống tự Sĩ Nguyên, người huyện Tương Dương thuộc Nam quận, Kinh châu. Bàng Thống có quan hệ họ hàng với Gia Cát Lượng. Khi hai người còn nhỏ, chị của Gia Cát Lượng được gả cho Bàng Sơn Dân – một người anh em họ của Bàng Thống. Người đứng ra chủ hôn là danh sĩ Bàng Đức Công – chú của Bàng Thống và Bàng Sơn Dân.
Bàng Thống hơn Gia Cát Lượng 3 tuổi. Hai người đã thường xuyên qua lại, trong khi Gia Cát Lượng tỏ ra thận trọng thì Bàng Thống có phần xốc nổi bộc trực, khá tương phản tính cách với nhau. Do Bàng Thống chậm chạp vụng về, nhiều người coi thường ông, nhưng Bàng Đức Công hiểu ông và rất coi trọng.
Nghe tiếng danh sĩ Tư Mã Huy giỏi biết người, Bàng Thống tìm đến gặp. Khi gặp nhau, Tư Mã Huy đang ở hái dâu trên cây, Bàng Thống liền ngồi dưới gốc cây trò chuyện, cứ thế hai người đàm luận từ sáng tới khuya. Tư Mã Huy nhận ra tài năng của ông, hết sức khen ngợi. Từ đó danh tiếng Bàng Thống nổi khắp nơi. Bàng Đức Công quý mến cả ông và Gia Cát Lượng, gọi ông là Phượng Sồ (phượng con), Gia Cát Lượng là Ngọa Long (rồng nằm).
Lúc đầu, Bàng Thống ở Giang Nam theo Tôn Quyền. Trong trận Xích Bích từng theo kế phản gián của Chu Du hiến kế cho Tào Tháo dùng xích sắt ghép các thuyền lại thành một cụm để tránh cho quân sĩ say sóng nhưng thực chất là khiến thuyền không tản ra được khi bị hỏa công, cháy rụi hết.
Sau trận Xích Bích (208), tướng Đông Ngô là Chu Du mang quân đánh chiếm Giang Lăng, Nam quận từ tay Tào Nhân (209), được Tôn Quyền phong làm Thái thú Nam quận. Bàng Thống vẫn giữ chức công tào không được Chu Du để ý đến. Sau nhờ Gia Cát Lượng một phen liều mình sang Đông Ngô, thực hiện kế sách “thuận tay bắt dê”: vừa giải toả ‘hiều lầm’ giữa Đông Ngô và Lưu Bị để cả hai tiếp tục “liên hợp kháng Tào”, vừa tiện thể sang Đông Ngô tìm kiếm hiền tài về phò tá cho Lưu Bị.
Kết cục đúng như mong đợi, sau khi khóc tang Chu Du xong, Khổng Minh gặp được Bàng Thống và trao cho ông một phong thư, mong muốn ông nếu ở đây không được trọng dụng hãy về với Lưu Hoàng Thúc. Quả nhiên, Tôn Quyền vốn là người cẩn thận, thấy Bàng Thống xốc nổi, ngoại hình xấu xí, thì không ưng, nên Thống mới từ biệt Giang Đông để về với Lưu Bị, đúng ý nguyện của Khổng Minh.
2. Cái chết của Bàng Thống và Khổng Minh
Cái chết của Bàng Thống
“Hồi thứ 63” Tam Quốc diễn nghĩa chép: Khi Khổng Minh ở Kinh Châu, vào dịp tết Thất tịch, chúng quan mở hội yến tiệc cùng bàn về việc thu hồi Kinh Châu. Bỗng thấy một ngôi sao to như cái đầu xuất hiện ở phía tây, từ trên trời rơi xuống, ánh sáng tỏa ra bốn phía. Khổng Minh thất kinh, ném ly xuống đất, ôm mặt khóc rằng: “Bi ai thay! Đau xót thay!” Chúng quan hoảng hốt hỏi duyên cớ. Khổng Minh nói: “Trước đây ta đoán rằng năm nay sao Thiên Cương ở hướng tây sẽ bất lợi cho quân sư; Thiên Cẩu xâm phạm quân ta, sao Thái Bạch ở gần Lạc Thành, ta đã gửi thư cho chúa công dặn phải đề phòng cẩn thận. Ngờ đâu đêm nay sao rơi phía tây, mạng sống của Bàng Sĩ Nguyên ắt đã chấm hết rồi!”
Nói xong, lớn tiếng khóc rằng: “Hôm nay, chúa công chúng ta đã mất đi một cánh tay rồi!” Chúng quan đều thất kinh, chưa tin lời ông. Khổng Minh nói: “Trong mấy ngày nữa, ắt có tin tức.” Tiệc rượu chưa kịp vui đã tàn cuộc. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin báo rằng quân sư Bàng Thống bị tên bắn chết trước gò Lạc Phượng.
Cái chết của Khổng Minh
“Hồi thứ 103” Tam Quốc diễn nghĩa chép: Đang đêm, Khổng Minh đang ốm vẫn ra khỏi lều, ngẩng đầu quan sát thiên văn, ông vô cùng kinh hãi liền vào lều bảo với Khương Duy rằng: “Mệnh ta nội trong sớm tối nay mà thôi!” Duy nói: “Thừa tướng sao lại nói những lời như vậy?”. Khổng Minh nói: “Ta thấy trong sao Tam Đài, sao khách sáng lạn gấp bội, sao chủ u tối, các chòm sao tương phụ nhau, ánh sáng của nó đã mờ tối: thiên tượng như vậy, mệnh ta có thể tự rõ được!”.
Cùng lúc đó, Tư Mã Ý, một đối thủ đang cố thủ trong một doanh trại khác bỗng một đêm ngẩng đầu quan sát thiên văn, vô cùng mừng rỡ nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta thấy sao Tương mất vị trí, Khổng Minh ắt đang mắc bệnh nặng, không lâu sẽ chết.” Khổng Minh vứt kiếm mà than rằng: “Sống chết có số, không thể cưỡng cầu được!” Ngay đêm hôm đó, Khổng Minh lệnh cho người dìu ra ngoài, ngẩng đầu nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ về một ngôi sao xa xôi nói: “Kia là tướng tinh của ta đó.” Mọi người nhìn theo, thấy ngôi sao đó màu sắc u tối, le lói sắp tắt. Quả nhiên đêm đó, Gia Cát Lượng quy tiên.
3. Lưu Bị không định nổi thiên hạ, họ Tư Mã lên ngôi đó cũng chính là “thiên ý”
Cha con Tư Mã thuận theo “thiên ý” mà thành đại nghiệp. Từ một nhân vật bị Tào Tháo hết sức để ý, vì có tướng “lang cố” (tướng phản chủ), luôn bị nhà Tào Nguỵ khống chế quyền bính, nhưng nhờ thời thế mà dần dần vượt lên.
Chính là công lớn thuộc về Gia Cát Lượng, lục xuất kỳ sơn đã cho Tư Mã Ý một cơ hội “đổi đời”, được trổ hết tài nghệ của mình khi nhà Tào Nguỵ đã không còn một sự lựa chọn nào tốt hơn để có thể chống đỡ lại được Khổng Minh. Tư Mã Ý dần xây dựng thành công lực lượng trong triều đình, và sau khi Gia Cát Lượng mất, ông chỉ còn phải chờ đợi thời cơ, một lần duy nhất sau 10 năm, bắt Tào Sảng, thâu đại cuộc.
Năm 251, Tư Mã Ý chết, hai con Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu thay nhau nắm quyền. Ngay năm sau, Tư Mã Sư phế Vua Ngụy Tào Phương, lập Tào Mao. Sư qua đời, Tư Mã Chiêu một mình nắm quyền. Năm 260, Tào Mao muốn trừ khử Chiêu, bị Chiêu ra tay giết và lập Tào Hoán lên thay. Năm 263, Ngụy đánh Thục và nhanh chóng tiêu diệt chiếm Thục (đầu năm 264), Vua Thục là Lưu Thiện đầu hàng.
Năm 264, Tư Mã Chiêu qua đời. Con cả Chiêu là Tư Mã Viêm lên thay. Tào Hoán thiện nhượng ngai báu cho Tư Mã Viêm, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ đế (266-290). Tư Mã Ý được truy tôn làm Tuyên đế, Tư Mã Sư làm Cảnh đế, Tư Mã Chiêu làm Văn đế.
Năm 280, Tấn Vũ đế chinh phục nốt nước Ngô, bắt Vua Ngô là Tôn Hạo. Trung Quốc lại được thống nhất, và Tấn Vũ đế mở rộng quyền lực của mình về phía bắc đến trung tâm Triều Tiên và phía nam đến hết Giao Châu (Việt Nam).
Văn hóa Trung Quốc cổ đại là văn hóa nửa Thần, rất nhiều người thỏa lòng với số mệnh trời cho, không quan tâm hơn thua. Họ thấu hiểu lịch sử đều tự có an bài và có quy luật phát triển của nó. Thôi Châu Bình khi cùng Lưu Bị bàn luận đạo lý “trị loạn”, đã nói với Lưu Bị rằng: “Thuận trời thì an nhàn, trái trời thì vất vả; số đã định, thì không chống lại được”. Thủy Kính tiên sinh sau khi biết chuyện Từ Thứ tế ngựa tiến cử Gia Cát bèn “ra khỏi cửa, ngẩng mặt lên trời cười to rằng: ‘Ngoạ Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!’” Thật ra, họ đều biết giang sơn nhà Hán khí số đã hết, dù là ai cũng không thể có sức đổi trời, kể cả là Khổng Minh và Bàng Thống.
Trong lịch sử có một dự ngôn rất nổi tiếng, tên là «Mã Tiền Khóa», miêu tả từ thời Tam Quốc cho đến đại sự lịch sử của ngày hôm nay, chưa hề sai, tác giả chính là Gia Cát Lượng. Cho nên đối với hướng đi của lịch sử, Gia Cát Lượng trên thực tế đã rõ như lòng bàn tay, hết thảy hành động đều thuận theo thiên ý, hợp với mệnh trời.
Ở Việt Nam ta cũng có nhà tiên tri rất nổi tiếng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi còn sống ông cũng đã từng chỉ điểm giúp nhà Mạc tồn tại thêm 80 năm nữa, khiến Trịnh Kiểm không dám phế vua Lê mà đồng tại cùng nhà Lê thêm được 200 năm, còn Nguyễn Hoàng thì lập được nghiệp lớn vì nghe lời ông đi vào Nam. Sau ông còn để lại “sấm Trạng Trình”, tập hợp những lời tiên tri về biến chuyển của thời thế tại Việt Nam, xưa nay chưa từng sai.
Tất cả những bậc cao nhân đều hiểu về “thiên thời – địa lợi – nhân hoà”, biết rõ tính cách từng con người, nhận biết các vùng đất có lợi, và nhất là thấu hiểu được “số trời”, nên họ không những có một cuộc sống an nhiên tự tại mà lại dự đoán chính xác được các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.
Ánh Trăng tổng hợp
0 nhận xét